Khởi nghiệp là biến ý tưởng kinh doanh của mình thành hiện thực. Thế nhưng, trong con đường nhiều chông gai đó, dù thành công hay thất bại, thì họ – những người khởi nghiệp đã không chỉ nỗ lực vươn lên làm giàu, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đóng góp cho sự phát triển KT-XH của địa phương, mà còn luôn cháy bỏng khát vọng sáng tạo. Những khát vọng sáng tạo đó là yếu tố vô cùng quan trọng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân
Chúng tôi gặp anh Bùi Sĩ Tuyến, chủ trang trại Tuyết Tuyến Farm, khi anh đang chăm sóc đàn giun trùn quế nuôi. Ít ai biết được rằng anh nông dân này đã từng có hàng chục năm làm kỹ sư xây dựng. Chia sẻ về lý do khởi nghiệp của mình, anh Tuyến nói: “Sau nhiều năm làm kỹ sư xây dựng, bôn ba khắp nơi, tôi quyết định trở về quê hương làm nông nghiệp với mong muốn xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, sạch, bền vững. Tôi khởi nghiệp bằng mô hình sản xuất phân giun trùn quế khi tuổi đã không còn trẻ. Nhưng khởi nghiệp không cần tuổi, khi bạn đã sẵn sàng, bất cứ tuổi nào đều có thể khởi nghiệp”.
Học hỏi từ nhiều nơi, những ngày đầu thực hiện mô hình, anh Tuyến lựa chọn phân bò làm nguyên liệu nuôi giun trùn quế. Do trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở nuôi bò với quy mô lớn, toàn bộ phân bò được nhập về từ tỉnh Thái Bình, tỉnh Hải Dương…, khiến chi phí tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, anh lại mày mò tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm sử dụng chất thải của gà, vịt để nuôi giun trùn quế. Anh Tuyến cho biết: Phân gà, vịt sau khi thu gom sẽ ủ khô hoặc ủ với nước từ 7-10 ngày thì mang cho giun trùn quế ăn. Khác với bò, phân gà, vịt có nhiều, do đó cần bổ sung một số các loại men vi sinh, bã bia, tro xỉ để đảm bảo môi trường thuận lợi cho giun trùn quế phát triển. Cứ như vậy, sau một thời gian sẽ thu hoạch sản phẩm là phân vi sinh, tức phân của giun trùn quế. Bên cạnh đó, giun trùn quế giàu đạm nên còn được sử dụng làm thức ăn cho gà, vịt. Từ đó, tạo thành một vòng tròn sản xuất khép kín, tận dụng tối đa các chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Phân giun trùn quế là loại phân hữu cơ vi sinh hoàn toàn từ thiên nhiên. Đây cũng được xem là nguồn dinh dưỡng dài hơi cho tất cả các loại cây trồng, giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp, nhất là rau củ, quả chất lượng cao, giúp cải tạo đất rất tốt. Mỗi tháng trang trại của anh Tuyến sản xuất khoảng 15 tấn phân giun trùn quế. Trang trại còn cung cấp nhiều nông sản hữu cơ khác, như dịch giun trùn quế, đất sạch, rau hữu cơ…
Với anh Tuyến khởi nghiệp không đợi tuổi, thì với chị Bùi Thị Thu Hương là không ngừng sáng tạo, khởi nghiệp, dấn thân vào nhiều lĩnh vực. Đã có những thành công ở lĩnh vực kinh doanh nhà sách (Nhà sách Hương Huyền), tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh (Công ty CP Phát triển giáo dục Kidscode Hạ Long), nhưng chị Hương lựa chọn lĩnh vực nông nghiệp để khởi nghiệp. Nhìn thấy giá trị của cây trà hoa vàng, tiềm năng phát triển, cũng như những bất cập về thị trường tiêu thụ, chị Hương cùng bạn bè đã sáng lập ra Công ty CP Trà hoa vàng Quảng Ninh, với mục tiêu đưa sản phẩm trà hoa vàng của Quảng Ninh vươn rộng đến các thị trường khu vực và quốc tế. Chị Hương chia sẻ: Trà hoa vàng là cây dược liệu quý mọc ở nhiều khu vực miền núi của Quảng Ninh từ rất lâu. Tuy nhiên bấy lâu nay người dân chủ yếu trồng tự phát, không theo quy trình, sử dụng phân hóa học, do đó hiệu quả không cao, chủ yếu thu lá. Với mong muốn nâng cao giá trị của cây trà hoa vàng, hình thành sản phẩm hàng hóa, đảm bảo thu nhập cho bà con, tôi cùng với bạn bè đã đầu tư từ sản xuất, bao tiêu, chế biến cho đến tiêu thụ, quảng bá trà hoa vàng.
Chị Hương cùng với bạn bè đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu thị trường kinh doanh sản phẩm này trong và ngoài nước. Qua đó, chị nhận thấy, muốn sản phẩm của mình đến được các thị trường lớn thì phải làm chủ được vùng nguyên liệu. Ý tưởng về một vùng trồng trà hoa vàng quy mô lớn, theo chuỗi, đáp ứng yêu cầu khắt khe về quy trình trồng, chăm sóc, chế biến được hình thành. Thế nhưng từ ý tưởng đến hiện thực là cả quá trình khó khăn, nhất là trong việc tìm vùng nguyên liệu. Cơ duyên đã đến với chị khi chị tìm đến khu trồng trà hoa vàng của anh Lê Mạnh Quy (xã Quảng Minh, huyện Hải Hà). Trên cơ sở đó, cuối năm 2019, chị cùng với bạn bè đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng chế biến; đồng thời vận động các hộ trồng trà tham gia chuỗi liên kết. Chị Hương cam kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ; anh Quy là người cung cấp kỹ thuật, quy trình, giống; các hộ thực hiện nghiêm các yêu cầu về quy trình, không dùng phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh chú trọng về chất lượng, sản phẩm trà hoa vàng Quảng Ninh của Công ty còn được áp dụng những công nghệ mới nhất để cho ra những thành phẩm bắt mắt, đa dạng chủng loại, giữ được màu sắc, hương thơm, giá trị dinh dưỡng tự nhiên. Hiện sản phẩm trà hoa vàng của Công ty được mở bán ở nhiều tỉnh, thành trong nước, thị trường các nước Lào, Campuchia, sắp tới là Nhật Bản.
Để luôn đồng hành với hoạt động khởi nghiệp
Tạo nền tảng để hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp nói riêng và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp nói chung, Quảng Ninh đã dành sự đặc biệt quan tâm cho khởi nghiệp thông qua các hoạt động, cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho cá nhân, tổ chức. Nổi bật, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 148/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Trong đó, hỗ trợ 100% lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp; 100% chi phí thực hiện các dịch vụ kế toán, kê khai, báo cáo và quyết toán thuế; chi phí duy trì chữ ký số… Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương tích cực phối hợp triển khai hướng dẫn doanh nghiệp, đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách, giảm thiểu TTHC. Trong 2 năm qua đã trên 2,7 tỷ đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Tỉnh cũng ban hành Nghị quyết 43/2016/NĐ-HĐND về một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN giai đoạn 2017-2020. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã triển khai 12 đợt hỗ trợ cho 224 lượt tổ chức, cá nhân với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng. Chính sách này đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân tăng cường ứng dụng KH&CN vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng phương pháp quản lý tiên tiến nâng vị thế của đơn vị.
Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trong nước thành lập CLB Đầu tư và Khởi nghiệp ở hầu khắp các địa phương. Toàn tỉnh có 13 CLB với trên 400 thành viên tham gia. Hội LHPN thành lập 7 CLB khởi nghiệp. Hoạt động của các nhóm, CLB khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên ở một số trường như Đại học Hạ Long, Đại học Ngoại thương cơ sở Quảng Ninh, Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, THPT Hoành Bồ… diễn ra sôi nổi. Các CLB ra đời không chỉ tạo sân chơi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cho các thành viên, mà còn góp phần hỗ trợ lẫn nhau.
Con đường khởi nghiệp vốn có nhiều chông gai, vì thế luôn cần có sự quan tâm hỗ trợ, đồng hành hơn nữa của tỉnh, ngành, địa phương. Anh Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thiết kế và Phát triển công nghệ xây dựng SPAN, cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp là doanh nghiệp nhỏ, mới hoạt động, ít kinh nghiệm, hoạt động chủ yếu bằng một phần vốn tự có và vốn vay ngân hàng. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp đó là vốn. Chúng tôi mong muốn có chính sách riêng hỗ trợ về vốn cho cộng đồng khởi nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cần thành lập quỹ khởi nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để hoạt động.
Anh Bùi Văn Quang, Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Quảng Ninh, thì mong muốn cộng đồng khởi nghiệp hiện nay cần thêm sự hỗ trợ về định hướng, cơ hội, thông tin về thị trường, để ổn định sản xuất, thúc đẩy phát triển. Đồng thời, tạo nền tảng hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.
Theo Báo Quảng Ninh