Nhân rộng mô hình kinh tế của thanh niên tại Huyện Ba Chẽ

Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện Ba Chẽ phát triển khoảng 30 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, đa phần đạt hiệu quả cao, như: Trồng cây ăn quả, cây dược liệu; nuôi bò, gà, thỏ; xưởng cơ khí… Các mô hình không chỉ giúp thanh niên huyện vươn lên làm giàu, mà còn tạo sức lan tỏa lớn trong tuổi trẻ thi đua khởi nghiệp, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Chế biến sản phẩm trà hoa vàng tại HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ

Tháng 8/2020, Ban Chấp hành huyện Đoàn Ba Chẽ định hướng và thành lập HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ do thanh niên làm chủ. HTX bao gồm 7 thành viên cùng nhau lên ý tưởng, vay vốn đầu tư và vận hành các quy trình thu mua, sản xuất.

Anh Nguyễn Thành Trọng, Chủ nhiệm CLB Đầu tư và Khởi nghiệp huyện Ba Chẽ; thành viên HTX cho biết: Việc thành lập HTX này đã được chúng tôi tìm tòi, nghiên cứu, mạnh dạn vay vốn để đầu tư, với hy vọng tăng đầu ra cho sản phẩm trà hoa vàng địa phương. Chúng tôi mong muốn, với việc áp dụng khoa học, tính sáng tạo vào sản xuất các sản phẩm từ cây trà hoa vàng sẽ đóng góp vào sự phát triển thương hiệu của địa phương, góp phần hỗ trợ giải quyết vấn đề đầu ra cho bà con, người trồng trà, đặc biệt là những mô hình trồng cây trà hoa vàng do thanh niên thực hiện. Định hướng thời gian tới, chúng tôi sẽ tập hợp, thành lập CLB thanh niên cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển cây trà hoa vàng; tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình mẫu ứng dụng KHCN vào trồng, chăm sóc… cây trà hoa vàng, để giảm chi phí, thời gian, công sức, tăng chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống từ cây trà hoa vàng, như hoa, lá khô, HTX đã nghiên cứu đưa ra thị trường một số sản phẩm mới, như: Bột matcha trà hoa vàng, bánh trà hoa vàng, nước uống từ trà hoa vàng. Những sản phẩm này bước đầu được người tiêu dùng đón nhận, đã có một số doanh nghiệp tại TP Hạ Long, TP Hà Nội đặt vấn đề hợp tác, phân phối sản phẩm.

Mô hình trồng cây ăn quả và dược liệu của anh Trần Văn Linh, thôn Khe Nháng, xã Thanh Lâm (đứng giữa).

Đến nay, HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ đã hỗ trợ, thu mua trên 1,5 tấn hoa tươi, trên 1 tấn lá trà hoa vàng, trị giá gần hơn 1 tỷ đồng cho người dân trên địa bàn; giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động; riêng sản phẩm hoa trà hoa vàng sấy khô cho doanh thu 30 triệu đồng/tháng.

Cũng là mô hình thanh niên khởi nghiệp, năm 2019 anh Trần Văn Linh (SN 1988, thôn Khe Nháng, xã Thanh Lâm) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư vườn cây ăn quả kết hợp trồng cây dược liệu trên 1,5ha. Anh Linh chia sẻ: Quê hương Ba Chẽ có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Vì thế, tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng gần 400 triệu đồng đầu tư cải tạo đất, san gạt, trồng xen canh 300 gốc bưởi, 600 gốc cam V2, 200 gốc ổi trân châu Đài Loan, trên 1.000 gốc cây ba kích. Các loại cây trồng này đều hợp thổ nhưỡng nên phát triển khá tốt. Năm 2021 thu hoạch vụ đầu tiên, ước tính trên 100 triệu đồng. 

Theo huyện Đoàn Ba Chẽ, hiện các mô hình kinh tế của thanh niên phát triển ở 8/8 xã, thị trấn của huyện, đa số cho hiệu quả tốt, thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Anh Lê Minh Đạt, Bí thư Huyện Đoàn Ba Chẽ, cho biết: Huyện Đoàn đang rà soát, thống kê các mô hình khởi nghiệp do thanh niên đăng ký để hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên có động lực vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và địa phương. Đơn vị phấn đấu xây dựng phương án hỗ trợ từ 1-2 dự án khởi nghiệp trong thanh niên/năm. Huyện Đoàn đẩy mạnh vận động, hướng dẫn ĐVTN áp dụng KHKT vào phát triển kinh tế; thường xuyên theo dõi, nắm bắt nguyện vọng của ĐVTN để định hướng tư vấn nghề nghiệp phù hợp, góp phần mạnh mẽ vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Theo nguồn: Báo Quảng Ninh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *