Nỗ lực xây dựng huyện Đầm Hà trở thành vùng trọng điểm sản xuất, cung cấp nông sản của tỉnh không chỉ còn là định hướng phát triển, mà hiện đã được lan tỏa rộng khắp trong phong trào thi đua lao động, sản xuất. Bao gồm những cá nhân điển hình với tinh thần chủ động, mạnh dạn đổi mới; những mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu được hình thành…
Cuối năm 2015, nhận thấy nhu cầu về con giống có chất lượng cao ngay tại địa phương là rất lớn, anh Nguyễn Văn Tuyền (thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân) – Phó chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp huyện Đầm Hà chủ đã mạnh dạn khởi nghiệp thế chấp vay ngân hàng 1 tỷ đồng để thực hiện ước mơ làm giàu từ giống gà bản địa.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Văn Tuyền đã chủ động tham khảo, học hỏi khắp nơi về công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà, thiết kế chuồng trại, ứng dụng máy móc công nghệ… để đưa vào thực hiện. Qua những lần thất bại ban đầu, anh Tuyền đã đúc rút được những kinh nghiệm quý để có thành công như hôm nay. Việc cung cấp gà ra thị trường dần ổn định và mở rộng ra các địa phương khác trong tỉnh. Anh Tuyền trở thành Giám đốc của HTX Tuyền Hiền chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà thương phẩm, với 6 hộ nông dân khác là thành viên.
Đến nay, HTX Tuyền Hiền có trang trại nuôi gà rộng gần 2ha, hằng năm cung cấp cho thị trường hơn 80.000 con gà giống và 30.000 con gà thương phẩm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Tháng 6/2019, giống gà bản Đầm Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Quan trọng hơn, thành công của anh Tuyền đã trở thành nguồn cảm hứng, động lực mạnh mẽ để động viên người dân trên địa bàn xã Quảng Tân, cũng như toàn huyện Đầm Hà tự tin làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh sống. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Quảng Tân hiện đã có hàng chục trang trại chăn nuôi gà bản Đầm Hà, với quy mô đàn 1.000-1.500 con, cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã có 60 trang trại chăn nuôi tập trung có quy mô lớn, chiếm gần 50% tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện.
Cùng với mô hình nêu trên, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Đầm Hà ghi dấu ấn với loạt các mô hình hiệu quả, bởi người nông dân đã chủ động đổi mới, mở rộng quy mô diện tích, ứng dụng KHCN để tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực có thương hiệu của địa phương.
Theo nguồn: Báo Quảng Ninh