Quyết liệt, mạnh mẽ và say mê tìm tòi, sáng tạo ra những giá trị mới… là những điều tôi cảm nhận được khi gặp doanh nhân trẻ Nguyễn Xuân Thủy (SN 1984), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thiết kế và Phát triển công nghệ xây dựng SPAN. Anh cũng là một trong những khởi nghiệp trẻ được vinh danh trong top 100 khởi nghiệp xuất sắc nhất năm 2019. Sản phẩm sáng tạo của anh được trao giải nhất sáng tạo KHCN Việt Nam 2018; Huy chương Bạc về sáng tạo KHCN SIIF 2019 tại Hàn Quốc; giải thưởng đặc biệt tại Hội chợ Sáng tạo quốc tế Seoul 2019 và nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế khác.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có buổi trò chuyện với anh Nguyễn Xuân Thủy về quá trình khởi nghiệp và việc ứng dụng KHCN vào phục vụ cuộc sống.
Khởi nghiệp từ niềm đam mê và nỗ lực bản thân
– Cơ duyên nào đưa bạn bước chân trên con đường khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo, sử dụng công nghệ mới trong lĩnh vực còn rất mới mẻ này?
+ Vâng, quả thật khởi nghiệp ở mảng xây dựng trên nền tảng sử dụng công nghệ mới là điều hoàn toàn mới mẻ cũng rất bất ngờ với tôi. Tôi học chuyên ngành xây dựng của Đại học Duy Tân (Đà Nẵng). Từ trước, tôi luôn có một mong muốn, khát khao thành lập riêng cho mình một công ty, làm chủ công việc của mình. Ở ngành học của mình, tôi luôn say mê học hỏi, tìm tòi sáng tạo, ứng dụng phần mềm thiết kế mới nhất nhằm tạo thuận lợi, nâng cao hiệu quả, năng suất công việc.
Năm 2009 tốt nghiệp đại học, tôi trở về Quảng Ninh, công tác ở một công ty xây dựng tư nhân vừa học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm, vốn và tiếp cận những công nghệ xây dựng mới mẻ. Ý tưởng khởi nghiệp đến khi tôi bất ngờ được tiếp cận một công nghệ xây dựng mới mẻ của châu Âu nhưng lại không được triển khai rộng rãi, đó là công nghệ sàn bóng.
– Điều gì khiến bạn đam mê và quyết tâm làm chủ công nghệ đầy mới mẻ này?
+ Là một doanh nghiệp khởi nghiệp sau, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng vốn khắc nghiệt và nhiều cạnh tranh, phương châm của tôi luôn đặt ra đó là: Sáng tạo, ứng dụng KHCN, tạo được sản phẩm riêng, mang những giá trị mới đồng thời với định hướng kinh doanh để đi đến thành công một cách nhanh nhất.
Còn nhớ, thời điểm đó, sàn bóng là một công nghệ mới trong ngành xây dựng phổ biến ở Ý và Đan Mạch. Về sau, công nghệ ưu việt này trở nên phổ biến ở châu Âu từ 2 thập kỷ trở lại đây. Tìm hiểu tôi được biết, công nghệ sàn bóng (BubbleDeck) là một công nghệ thay thế bê tông cốt thép mang tính cách mạng trong xây dựng, sử dụng những quả bóng bằng nhựa tái chế với mục đích thay thế phần bê tông không tham gia chịu lực ở giữa bản sàn.
Đặc điểm nổi bật là khả năng chịu lực theo hai phương. Đây là loại kết cấu sàn rỗng, lưới thép gia cường có nhiệm vụ phân bố và cố định các trái bóng tại những vị trí chính xác, trong khi đó các trái bóng định hình thể tích lỗ rỗng, giúp giữ vững định dạng của lưới thép gia cường, đồng thời ổn định vị trí của lưới bóng. Sàn bóng phẳng, không dầm, liên kết trực tiếp với hệ cột, vách chịu lực, giúp vượt nhịp chiều cao công trình so với sàn bê tông thông thường. Sàn công nghệ mới này có độ an toàn như không bắt cháy, ngăn khói, có khả năng chịu cắt, chịu uốn, chịu nhiệt và cách âm cao hơn so với sàn đặc truyền thống. Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, công nghệ này không mấy thành công bởi kết cấu và giá thành chưa phù hợp.
Thấy thú vị, tôi bắt đầu nghiên cứu kỹ, tham khảo ý kiến các chuyên gia, bạn bè. Thấy khả năng cải tiến, triển khai trong thực tế khá cao, có thể khắc phục những nhược điểm nên tôi quyết tâm bắt tay vào nghiên cứu, đổi mới và triển khai sản xuất sàn bóng.
– Một công nghệ mới, tiên tiến nhưng cũng đầy thách thức, có khi nào bạn nghĩ mình đã có một quyết định liều lĩnh không?
+ Quả thật bây giờ nhìn lại mới thấy sự say mê, dấn thân đã khỏa lấp tất cả. Có lẽ là dân kỹ thuật, “máu”, đam mê sáng tạo nên lúc đó tôi chỉ tập trung cải tiến công nghệ này, khắc phục nhược điểm về kích thước và giá thành. Như bao khởi nghiệp trẻ khác, vấn đề đầu tiên mà tôi gặp phải đó chính là vốn. Chia sẻ thật với anh, khi bắt đầu thực hiện trong tay tôi chỉ có vỏn vẹn 200 triệu đồng. Đây là số tiền tôi tiết kiệm được sau 3-4 năm đi làm ở các công ty xây dựng, nhận việc làm thêm. Số vốn còn thiếu tôi đi vay bạn bè, người thân.
Điều thực sự may mắn là tôi có sự ủng hộ của gia đình, bạn bè và người thân. Thời điểm đầu khi sản phẩm gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, bố mẹ chính là người lo lắng về sự liều lĩnh của bản thân tôi nhất (cười)!
Đưa cải tiến, sáng tạo KHCN tạo nên những giá trị mới, phục vụ cuộc sống
– Quá trình lên ý tưởng, nghiên cứu đến đi vào sản xuất sản phẩm trong thực tế chắc hẳn không đơn giản?
+ Có thể nói, đó là quãng thời gian tôi và các cộng sự đã cùng nhau nỗ lực với 200% năng lực bản thân. Sau khi chuẩn bị xong nguồn vốn, tôi bắt tay vào việc tìm mặt bằng, mua dây chuyền, tuyển kỹ sư tự động hóa, kỹ sư cơ khí để tiến đến sản xuất sản phẩm. Ban đầu, tôi và những thành viên sáng lập thuê mặt bằng rộng 300m2 để đặt dây chuyền. Gọi là dây chuyền, chứ thiết bị máy móc, được đặt mua trong nước rồi cải tiến cho phù hợp với mục đích vừa để tiết kiệm chi phí.
Tất cả sản phẩm được thiết kế trên nền 3D với tính toán kỹ lưỡng. Khó nhất là việc sản xuất khuôn mẫu. Quá trình này luôn có sai số. Ngay ở bước đầu này, tôi và đồng nghiệp đã phải thay đổi tính toán nhiều lần sao cho nó phù hợp với thực tế nhất.
Tuy nhiên, phần cơ khí, sản xuất sau đó có rất nhiều sai số. Đây là lúc khó khăn nhất đến với cá nhân tôi và toàn công ty. Tính toán lý thuyết đã chuẩn nhưng đi vào sản xuất thì có nhiều sai sót, khiến sản phẩm không hoàn thiện. Có thời điểm tôi cảm thấy nản. Thật may, một lần vô tình tôi được một chuyên gia về cơ khí “chỉ điểm” thì mới hoàn thiện được sản phẩm. Như vậy, mất đến gần 1 năm chỉnh sửa, trong đó có nửa năm nghiên cứu mẫu, 3 tháng ra khuôn, 1 tháng chuẩn bị dây chuyền, sản phẩm đầu tiên mới ra đời.
Tiếp đó là nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất sao cho tiết kiệm chi phí đầu vào và thời gian sản xuất tối đa để gia tăng lợi ích cho doanh nghiệp. Tất cả quy trình đều được thực hiện bằng máy móc với độ nhanh nhạy và chính xác cao như bơm bóng trực tiếp bằng máy thổi kết hợp song song với việc hàn đắp, về sau là tự động hóa bằng rô-bốt… Cuối cùng rút ngắn thời gian sản xuất một quả bóng chỉ là 30 giây.
– Với nhiều ưu việt, chắc hẳn các bạn đã có những thuận lợi?
+ Clign: justify;”>”Hữu xạ tự nhiên hương” rất nhiều chủ đầu tư của những công trình lớn tại Quảng Ninh như khách sạn Hải Yến (Cẩm Phả), chợ Cái Dăm… đã tin tưởng sử dụng công nghệ này. Khách hàng của SPAN dần trải dài các tỉnh phía Bắc cho tới Nghệ An. Thời gian sau, Công ty tiếp tục thuê thêm đất ở Giếng Đáy mở rộng sản xuất với diện tích 600m2. Dây chuyền máy móc có công suất tăng gấp đôi.
– Dự định phát triển của SPAN trong tương lai với sản phẩm này cũng như các sản phẩm ứng dụng KHCN là gì?
+ Không bao giờ dừng lại và hài lòng với kết quả đã đạt được ở hiện tại chính là phương châm hoạt động của tôi và cộng sự tại SPAN. Thời gian tới, chúng tôi hướng tới đăng ký tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam về xây dựng để nâng tầm sản phẩm, đồng thời để công nghệ này phổ biến rộng rãi hơn về sau. Hiện tại SPAN cũng chú trọng nghiên cứu và cho ra thị trường sản phẩm “xanh” như cốt pha sử dụng cốt thép và nhựa độ bền cao; nghiên cứu về sản phẩm gạch, tấm tường lắp ghép… Đây đều là các sản phẩm ưu tiên sử dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng nhựa và các vật liệu tái chế.
Trong suốt quá trình phát triển, SPAN luôn nhận được sự quan tâm của các đơn vị, ban, ngành trong tỉnh. Sản phẩm sàn bóng của SPAN được Sở KHCN chứng nhận là sản phẩm ứng dụng KHCN. Trong tương lai, tôi mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục đồng hành, ủng hộ những khởi nghiệp trẻ. Bản thân doanh nghiệp sẽ luôn đổi mới công nghệ, nghiên cứu ra thật nhiều những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần vào sự phát triển của tỉnh nhà.
Theo nguồn: Báo Quảng Ninh.